linhphandr@gmail.com
+84 978 522 626

Bệnh nhân đột tử ngay trong khoa cấp cứu mà không ai hay biết

Thứ bảy, 15/2/2014, một bệnh nhân nữ 61 tuổi, nhập viện vì một vết đứt ở bàn chân do mảnh chai. Khoảng 4h sau bà ta được tình cờ phát hiện nằm chết cứng trong khu vực cấp cứu mà không hề có dấu hiệu báo động nào, tại BV Cochin, Paris năm 2014.
Sự kiện này từng là 1 scandal lớn trên báo chí tại Paris cách đây hơn 1 năm.
 
Bà ta có hồ sơ lưu trữ trong hệ thống vì từng nhập viện cách đó 2 năm. Khoa cấp cứu nhận bệnh lúc 16h30, vòng đeo tay nhận diện đã được đeo. Bệnh nhân được khám phân loại 18 phút sau khi nhập viện. Do vết thương nhẹ và không có biểu hiện nguy kịch, bệnh nhân được phân loại ưu tiên cấp 3/5 (Cấp 1 cần được can thiệp khẩn cấp tức thì. Cấp 2 được theo dõi với chu kỳ <20 phút, cấp 3 <60 phút. Cấp 4 : <2h, cấp 5 : 6h. Cấp 1-2 được khám bởi BS nội trú và trưởng tour trực, cấp 3 trở xuống được khám ban đầu bởi BS nội trú nhưng sau đó do các bác sĩ ngoại trú theo dõi). Bệnh nhân được đặt ngồi trên 1 ghế dựa trong khu vực chờ, đây cũng là lối ra vào chính nên rất nhiều lượt người đã đi ngang qua. Điều dưỡng thực hiện theo dõi sinh hiệu như thường quy ; Lúc 21h, bác sĩ giao ban cho kíp trực đêm, và đã thông báo toàn bộ tình hình trong khoa, bao gồm sự hiện diện của bà bệnh nhân này. Một hộ lý cho biết vẫn còn thấy bà ta tỉnh táo ngồi ở chỗ cũ vào lúc 21h18. 
 
 
Vào khoảng 21h40, bác sĩ trưởng tour trực và 1 BS nội trú chứng kiến bà ta nằm ngủ, vẫn còn cử động hô hấp. Lúc 22h00 : một hộ lý nhìn thấy bệnh nhân nằm ngủ và vẫn còn sống. 23h00 : cũng người hộ lý này, phát hiện mặt bệnh nhân này trắng bệch, mất tri giác nên đã báo động cho toàn bộ bác sĩ. Một bác sĩ xác nhận là bệnh nhân rõ ràng đã chết nên cũng không cần thiết phải thực hiện nghiệm pháp hồi sinh. Diễn tiến này được chứng thực trên camera theo dõi, cho thấy bệnh nhân đã đột tử trong khi ngủ một cách yên lặng tại thời điểm không rõ, giữa 22h và 23h đêm, không có bất kì phản ứng đau đớn hay kêu cứu nào. Không có giải phẫu pháp y nào được thực hiện, nên người ta không bao giờ biết nguyên nhân tử vong, chỉ suy đoán là do 1 tai biến tim mạch.
 
Một số lỗ hổng trong quy trình đã được phát hiện từ sự cố :
+ Nguy cơ bệnh tim mạch và tiền sử của bệnh nhân không được khai thác đầy đủ ở lần tiếp xúc đầu tiên
+ Trao đổi bệnh án giữa các bác sĩ giữa 2 kíp trực diễn ra quá nhanh, 
dẫn tới sự kiểm soát thiếu chặt chẽ về tiền sử và nguy cơ của bệnh nhân.
+ Khoa cấp cứu quá tải: 54 bệnh nhân đang hiện diện, trong đó 12 bệnh nhân xếp loại cao về nguy kịch.
+ Phần mềm quản lý bệnh nhân có khả năng định vị bệnh nhân trong khoa, nhưng việc sử dụng chỉ giới hạn: Chỉ có các bác sĩ cấp trên được quyền truy cập vào máy tính, bác sĩ cấp dưới không được sử dụng.
+ Bệnh án cũ 2 năm trước không hề được truy cập, phần mềm Mediweb chỉ cho phép truy cập thông tin này trong khâu làm hồ sơ điều trị. Chỉ có 1 bác sĩ có khả năng truy cập vào hồ sơ này.
+ Phiếu phân loại có hình thức và nội dung chưa hoàn hảo : Thông tin về vị trí nằm của bệnh nhân trong khoa không được trình bày rõ. Chỉ có nội dung lý do nhập viện, vị trí tổn thương được viết hoa, font chữ lớn, trong khi đó những thông tin khác sử dụng font chữ quá nhỏ, dễ bỏ sót những nguy cơ quan trọng.
 
Giải pháp :
+ Nhân viên y tế cần tăng cường cảnh giác về sự hiện diện (và sinh tồn) của bệnh nhân trong khoa : Cần định vị bệnh nhân trong khu vực theo dõi, dựa vào vòng tay và phần mềm theo dõi, xướng tên hay hỏi những bệnh nhân khác. Cần xây dựng quy trình để theo dõi sự hiện diện của bệnh nhân và ứng phó khi bệnh nhân không có phản hồi khi xướng tên, hay mất tích
 
Cần tăng cường trao đổi thông tin giữa bác sĩ trưởng tour trực và y tá tiếp nhận-điều phối bệnh.
Hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý cho tất cả nhân viên y tế, kể cả sinh viên thực tập và y tá. Tăng khả năng truy cập hồ sơ bệnh án cũ của tất cả bệnh nhân
 
Bình luận :
+ Khác với VN, ở nước ngoài bệnh nhân nằm viện thường cô độc, không có sự hiện diện của người thân bên cạnh. Chỉ có nhân viên y tế chịu hoàn toàn trách nhiệm theo dõi.
+ yếu tố con người rất quan trọng. Nhiều lúc do quá ỷ lại vào thiết bị hiện đại (phần mềm theo dõi, camera theo dõi, vòng tay định danh, định vị, máy theo dõi sinh hiệu, hệ thống phân loại mức độ ưu tiên máy móc) mà nhân viên đã bỏ quên những giao tiếp cơ bản như quan sát bằng mắt, kiểm tra bằng tay, lắng nghe và giao tiếp bằng lời nói với đồng nghiệp và bệnh nhân.
 
Namlun didong
THÔNG TIN KHÁC

Bản quyền thuộc về CLB QLCL-ATNB

© 2014 Thiết kế bởi QPS Team